Những bông hoa gạo tháng ba đưa ta ngược về miền kí ức, tưới tắm tâm hồn ta bằng những kỉ niệm mát trong thuở thiếu thời. Ta bốn, năm tuổi, chạy theo lũ bạn cùng đám anh chị chăn trâu cắt cỏ, hoa cỏ may tua tủa mọc ven đường, xiên vào hai ống quần những bông hoa li ti, nhỏ xíu. Cả đám mải mê nhảy dây, đá cầu, chơi khăng, đánh đáo… Tiếng reo hò ồn ã một góc trời, mùi thơm dịu nhẹ của cỏ hoa, nồng nàn vị của đất, thoang thoảng tiếng mẹ cha theo ta vào cả những giấc mơ mỗi đêm về. Một tuổi thơ không biết đến hoạt hình, wifi, paintball, điện tử, đứa nào đứa nấy lớn lên trong trẻo, mộc mạc chan chứa tình quê hương.
Bọn trẻ cùng thời với tôi thưở ấy, đến tuổi đi học, người bạn duy nhất là sách và những tờ báo Mực Tím, Phượng Đỏ, Hoa Học Trò chất đầy giỏ xe. Cả đám trẻ con dáng người gầy gầy, mảnh mai gò lưng trên chiếc xe đạp hơn mười cây số đi học mỗi ngày. Màu của nắng, mùi của mồ hôi, niềm tin trên mắt mẹ cứ dày lên theo chúng tôi trên mỗi chuyến hành trình. Duy chỉ có cây hoa gạo đầu làng vẫn sừng sững đứng đó, chung thủy và sắc son, chỉ đợi thời tiết giao mùa ấm áp, cuối xuân đầu hạ là bừng nở những bông hoa đỏ thắm sau chuỗi ngày dài e ấp.
Lớp 6 tôi vào học trường chuyên của huyện, mỗi ngày đi qua cây gạo đầu làng không dưới bốn lần. Lần nào đi qua mắt cũng hấp háy nhìn theo sự chuyển mình của những bông hoa, nán lại vài phút những ngày trời trở gió để hứng lấy những bông hoa rơi lã chã mang về thả vào chậu nước hoặc cho vào sổ ép lấy những cánh hoa đẹp nhất. Tuy không dễ ép như phượng hay bằng lăng tím nhưng nhìn những bông hoa bị rút hết nước cũng đủ làm tôi thích thú vì độ dẻo dai bền bỉ đến lạ kì!.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, đám trẻ con ngày nào giờ cũng lần lượt lập gia đình, chẳng còn vui đùa hồn nhiên như thưở ấy. Tôi cũng ít có dịp về quê hơn, nhưng mỗi lẫn đi qua cây gạo quen thuộc, vẫn cố tình dừng lại, mở căng lồng ngực hít hà sự trong trẻo, mát lành của đất để từng tế bào thấm đẫm tình quê. Thầm cảm ơn đất trời, cảm ơn màu đỏ rực của cây gạo như ngọn đèn trời chiếu sáng cho làng quê yên ả thanh bình, soi đường cho những đứa con xa quê đừng quên đường về đất mẹ thân yêu!.
Nguồn sưu tầm từ Facebook của bạn Trịnh Thị Hải Yến: https://www.facebook.com/haiyenth